Học tập ngoài trời: chìa khóa cho những đứa trẻ hạnh phúc, khỏe mạnh và sáng tạo

Cả năm đi học trong khuôn viên nhà trường, học sinh có thể quên mất một trong những niềm vui lớn nhất của mùa hè: Được vui chơi ngoài trời. Hiện nay, ngày càng nhiều nhà nghiên cứu và nhà giáo dục nhận thấy rằng thời gian ở ngoài trời không chi đem lại lợi ích giải trí mà còn là chìa khóa mở ra chân trời mới cho trẻ em và trường học, tiến tới một cộng đồng hạnh phúc và khỏe mạnh.

Trong không khí các trường chuẩn bị cho Lớp học ngoài trời vào ngày mai, các nhà giáo dục đã nhấn mạnh những lợi ích của việc đưa lớp học ra ngoài trời.

Bài viết này xuất hiện lần đầu tiên trên Usable Knowledge, từ Harvard Graduate School of Education.

Lợi ích bền vững

Giáo dục ngoài trời bao gồm một loạt các trải nghiệm, mô hình và mục tiêu sư phạm. Các buổi cắm trại qua đêm hoặc các chuyến đi dã ngoại với lớp thường là những hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong tâm trí bạn.

Tuy nhiên, giáo dục ngoài trời có thể chỉ đơn giản là một bài học được giảng dạy bên ngoài lớp học – hoàn toàn không liên quan đến thiên nhiên hoặc sử dụng cảnh quan ngoài trời để dạy về độ bền hoặc sinh học. Nó thậm chí có thể đơn giản hơn: vui chơi ngoài trời, sử dụng thời gian rảnh để tổ chức một trò chơi hoặc nghiên cứu một khu vực hoang sơ của sân chơi.

Mỗi hoạt động tương tác này có những lợi ích riêng, nhưng tác động tổng thể của thời gian ở ngoài trời thì rất rõ ràng: sức khỏe thể chất tốt hơn; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; tăng cường sự sáng tạo, tập trung và tự tin; củng cố kĩ năng cộng tác và các mối quan hệ.

Nhà tâm lý học môi trường Louise Chawla nhận thấy rằng việc tiếp xúc thường xuyên với thiên nhiên có thể làm giảm các triệu chứng rối loạn thiếu tập trung và tăng cường trí nhớ; nó cũng góp phần làm giảm tỷ lệ trầm cảm.

Các nghiên cứu khác chỉ ra rằng hoạt động ngoài trời làm giảm tỷ lệ cận thị ở trẻ em, do cường độ ánh sáng cao bên ngoài có thể kích thích sự tăng trưởng võng mạc. Nói chung, học tập ngoài trời đưa trẻ em đến với các địa điểm tham quan, mở rộng kiến thức của chúng ra ngoài gia đình và trường học (theo Jessica Parsons, nghiên cứu sinh thạc sĩ của Trường Giáo dục sau đại học Harvard (HGSE)).

Ben Wild, một nghiên cứu sinh khác đến từ HGSE, đã dành hàng năm dẫn dắt các đoàn thực nghiệm, giúp trẻ em tự lập và nương tựa lẫn nhau trong một tuần sinh sống ở vùng hoang dã. Và bởi vì các học sinh không được mang bất kỳ thiết bị công nghệ hay tài liệu đọc nào, họ có nhiều thời gian để đặt mục tiêu và phản hồi về cuộc hành trình, kỹ năng họ có được khi trở lại lớp học. Họ đã học cách chấp nhận rủi ro với tinh thần trách nhiệm và thái độ tự nguyện.

Làm việc tại một trại hè ở Los Altos Hills, California, Sarah Leibel, giảng viên HGSE nhận thấy những ưu điểm khác. Những người cắm trại cùng cô đã trải nghiệm vài tuần không có điện thoại di động, học được cách tận dụng thời gian rảnh rỗi mà họ có ở ngoài trời để làm quen với những người bạn mới, phát triển các kỹ năng giao tiếp và thấu cảm mạnh mẽ hơn. Bởi vì họ có rất nhiều thời gian để đi lại xung quanh và vận động cơ thể, họ dễ dàng thư giãn và điềm tĩnh hơn.

Tuy nhiên, học sinh không phải đi xa để trải nghiệm không gian ngoài trời. Trong nghiên cứu của mình tại HGSE, Erica Fine phát hiện ra rằng “trải nghiệm thường xuyên, gần nhà là một trong những công cụ tốt nhất mà chúng tôi có để kết nối trẻ em với thiên nhiên”.

Học sinh có giờ nghỉ giải lao để quan sát một cái cây hoặc một đám cỏ dại, học cách sáng tạo trong môi trường xung quanh. Thời gian ở ngoài trời thường xuyên giúp trẻ có nhiều cơ hội tập thể dục hơn, cho phép chúng chú ý và trân trọng mọi vẻ đẹp của thiên nhiên – không chỉ là cảnh quan tuyệt đẹp khi đi cắm trại mà còn cả đàn kiến ​​hoặc con sóc trong sân.

Đem không gian ngoài trời vào lớp học

Lắng nghe lời khuyên từ các chuyên gia, chúng tôi đề xuất 7 gợi ý đơn giản cho các nhà giáo dục để tích hợp hoạt động ngoài trời vào bài giảng:

  • Chỉ định khu vực “hoang dã” trong sân trường cho học sinh khám phá. Hãy để cỏ mọc và động vật làm tổ trong tầm quan sát của học sinh. Khuyến khích học sinh thăm thú, khám phá và chơi trong khu vực bạn định sẵn.
  • Tạo một lớp học ngoài trời, nơi các nhóm có thể gặp gỡ để đọc, viết, vẽ, hoặc tìm hiểu về môi trường.
  • Cho học sinh đi dã ngoại, nếu thời tiết cho phép.
  • Hợp tác với công viên ở gần trường. Đến công viên để học ngoài trời và chơi miễn phí, đề nghị chính quyền cho phép sử dụng sân chơi vào cuối tuần. Các mối quan hệ đối tác này có thể đặc biệt quan trọng đối với các học sinh thành thị, có thu nhập thấp và những người có ít cơ hội đến thăm không gian thiên nhiên.
  • Cho học sinh đi bộ để quan sát môi trường, thực hành chánh niệm hoặc hoàn thành một nhiệm vụ nhóm.
  • Lập kế hoạch cho một chuyến đi thực địa, nơi học sinh có thể trải nghiệm thiên nhiên mà không có công nghệ. Trong khi các chuyến đi qua đêm có thể tốn kém với học sinh, cuộc phiêu lưu trong một ngày có thể thật thú vị mà vẫn đem lại lợi ích lâu dài.
  • Mô hình trải nghiệm thiên nhiên. Khám phá những địa điểm mới trong sân chơi, chơi với những chiếc lá rơi, nói những gì bạn thấy và yêu thích ở ngoài trời.

Nguồn: Leah Shafer Tes.com